Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Oto lach… le phi

may tinh van phong | online high school classes | thoi trang | du lich do son |

kich song

|

ANTĐ - Đã qua giờ G (1-1-2012), Hà Nội đã tăng phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi từ 12% lên kịch trần là 20%; các trường hợp kê khai nộp lệ phí từ lần thứ 2 trở đi giữ nguyên theo mức cũ là 12%; phí cấp biển số tăng từ 2 triệu đồng lên 20 triệu đồng/xe cho lần cấp đầu. Tại TP.HCM và Đà Nẵng lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ cũng tăng từ 10% lên 15% . Quyết định tăng lệ phí trước bạ đã khiến thị trường ôtô cuối năm có chút chuyển dịch với làn sóng mua xe "chạy"… lệ phí. Nhưng thời khắc đó đã qua…

Trước giờ G

Đi đâu cũng bắt gặp khái niệm "mua ôtô… chạy phí". Bởi theo tính toán, việc điều chỉnh lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi, rồi phí cấp biển tăng lên sẽ khiến người tiêu dùng phải móc hầu bao thêm số tiền không nhỏ để sở hữu những chiếc xe mình mong muốn. Qua khảo sát tại các đại lý, showroom, cửa hàng buôn bán ôtô trên địa bàn Thủ đô như Hyundai Thành Công, Ford Thăng Long, Lexury Cars, Ôtô Mỹ, Minh Tâm Auto… có thể thấy lượng giao dịch tuy không có sự đột biến những đã "nhúc nhích" tăng. Trước giờ G (1-1-2012), để sở hữu một chiếc xe Kia Morning, người tiêu dùng chỉ mất khoảng 40 triệu đồng tiền phí trước bạ, sau giờ G sẽ tăng thêm 50 triệu đồng nữa.

Một ví dụ khác, để sở hữu một chiếc xe Ford Fiesta 1.4 lít bản sedan số sàn, giá bán hơn 500 triệu đồng; đăng ký xe trong tháng 12 sẽ chỉ mất khoảng 65 triệu đồng, qua giờ G sẽ lên đến hơn 120 triệu đồng. Và theo hệ số tịnh tiến, xe ôtô càng đắt tiền thì mức phí sẽ càng cao. Lý giải cho việc mặc dù mua ôtô… chạy phí nhưng thị trường vẫn không có nhiều biến động lớn, thì hầu hết các quản lý tại các cửa hàng kinh doanh ôtô đều có chung một nhận định: "Theo đúng quy luật, thời điểm trước Tết Nguyên đán thị trường ôtô thường sôi động trở lại, nhưng dù có phải mua ôtô… chạy phí thì giao dịch thời điểm này vẫn khá trầm lắng. Không còn hiện tượng người dân ào ạt đi mua xe bởi kinh tế khó khăn, ngân hàng cũng siết chặt cho vay nên việc mua bán rất chậm". Theo khảo sát, với dòng xe ôtô hạng trung, lắp ráp trong nước, trung bình các cửa hàng chỉ bán được 3-5 xe/tháng thì nay nhích lên từ 7-10 xe/tháng trước giờ G. Còn tại các đại lý nhập khẩu xe hạng sang, không khí mua bán dòng xe cao cấp vẫn còn rất chậm với con số vài ba xe/tháng.

Chạy phí

Việc "chạy" phí trót lọt trước ngày 1-1-2012 quả thật đã diễn ra không hề dễ dàng vì thời gian còn quá ít. Nhưng để điểm lại quãng thời gian đó điều đáng đề cập là các showroom ôtô đã bầy ra đủ các chiêu trò để "chặt", "chém" khách mua xe… chạy phí. Thực tế giá cả các xe ôtô được các cửa hàng, showroom, đại lý cập nhật trên các website không còn chuẩn xác, bởi khi trực tiếp đến giao dịch, mỗi xe đều bị "đội" giá lên. Chấp nhận với giá bị "đội" lên người tiêu dùng sẽ có xe ngay, còn nếu không thì tất cả đều phải chờ qua giờ G. Theo tìm hiểu, những mẫu xe ưa chuộng của Hyundai như Accent và Tucson đều được các đại lý thông báo hết hàng. Và nếu còn thì "xin mời" người tiêu dùng cộng thêm vài chục triệu đồng phí chênh lệch "làm giá". (Tucson giá 960 triệu và trước giờ G là 980 triệu đồng; Accent 590 - 620 triệu đồng). Các mẫu xe Hyundai khác cũng đều tăng giá từ 2% trở lên.

Tương tự như vậy, các mẫu xe phổ biến của dòng Toyota như Vios, Altis, Camry… được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn hàng đầu đều đóng khung với câu trả lời… hết hàng, chờ sang năm 2012. Tuy nhiên, không gì là không thể, các đại lý vẫn có xe cung cấp ngay nếu người tiêu dùng chịu chi phí mua thêm bộ phụ kiện trị giá khoảng 30 triệu đồng cho mẫu xe Vios, Altis; và 40 triệu đồng cho mẫu Camry. Riêng với mẫu Innova và Fortuner vẫn còn xe nhưng đã hết chiến dịch giảm giá thay vào đó là giữ nguyên giá bán. Chuyển sang dòng Ford, mẫu xe ăn khách Fiesta phổ biến với bản 1,4 lít và bản 1,6 sedan các đại lý đa phần vẫn còn hàng. Riêng với bản Sport là cơ hội để các đại lý "làm giá" vì các lý do chung như thiếu-khan-hết, chờ sau Tết âm lịch mới có hàng. Tuy nhiên, một số đại lý vẫn có hàng "găm", nếu người tiêu dùng thật sự quan tâm, muốn lấy xe ngay xin mời "tậu" thêm bộ phụ kiện trị giá hàng chục triệu đồng.

Việc một số đại lý kinh doanh ôtô trên địa bàn Hà Nội thông báo "cháy hàng" trước thời điểm có quyết định tăng kịch trần phí, lệ phí ôtô từ mức 12% lên 20% là dấu hiệu của hiện tượng "găm hàng, đẩy giá". Trong bối cảnh thị trường kinh doanh ôtô hiện nay, các nhà máy sản xuất ôtô trong nước đều bán hàng thông qua hệ thống phân phối là các đại lý và nhân viên bán hàng. Vì vậy, khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều cầu trung gian. Lợi dụng chính sách thay đổi, những kênh trung gian này đã tự tung, tự tác tận dụng cơ hội để gom hàng với mục đích đầu cơ. Thực chất, với các chiêu trò "chặt", "chém" người tiêu dùng mua xe dịp trước Tết Nguyên đán diễn ra không còn là chuyện hiếm; nhưng nay thêm yếu tố mua xe… chạy phí thì khách hàng dẫu có méo mặt vẫn vui vẻ gật đầu chấp nhận việc mua thêm bộ phụ kiện vài chục triệu đồng, có thể không lấy được mẫu xe ưng ý, không được chăm sóc, khuyến mãi gì nhưng trót lọt trước giờ G bởi sau đó chi phí còn cao hơn như vậy rất nhiều. Đây là yếu tố mấu chốt khiến lượng mua ôtô tại các đại lý bắt đầu có sự chuyển biến.

Thực tế…

Sau khi có quyết định tăng phí trước bạ ôtô dưới 10 chỗ ngồi lên 20% từ ngày 1-1-2012, các cán bộ làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ cho biết lượng người đăng ký xe đã tăng lên nhưng không nhiều, tập trung chính vẫn vào các dòng xe từ bình dân tới hạng trung như Kia Morning, Hyundai i10-i20, Toyota Vios, Corolla Altis… Những tưởng việc tăng lệ phí trước bạ lên 20% sẽ tạo một cơn sốt thực sự cho ngành kinh doanh ôtô cuối năm Tân Mão 2011 - như những gì đã diễn ra năm 2009 (phí trước bạ tăng từ 5% lên 12%) - nhưng thực tế diễn ra lại không như vậy: Thị trường không có biến động, không có sự quyết liệt của người tiêu dùng và xe cũng không rơi vào tình trạng "sốt". Và theo các chuyên gia tài chính lý giải, yếu tố mua xe để "né" phí trước bạ chỉ là một phần rất nhỏ, và thị trường ôtô có tăng chút ít chỉ là diễn biến hợp lý ở thời điểm mua sắm này như mọi năm chứ không phải "chạy phí" như đồn thổi. Nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế khó khăn, ngân hàng siết chặt cho vay tín dụng đã không kích cầu được thị trường. Ông Phạm Thái Dương, chủ showroom Ôtô Mỹ nhận định: "Thực tế… thật được diễn ra theo 2 hướng: Người tiêu dùng mua xe hạng trung trở xuống, đó là nhu cầu thật sự. Thứ hai là với các dòng xe hạng sang thì việc tăng lệ phí không ảnh hưởng quá nhiều đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Bởi việc tăng phí trước bạ lên 20% chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một lượng khách hàng có nhu cầu thật sự, còn đối với khách hàng là các cơ quan mua xe bằng vốn ngân sách hoặc tư nhân mua xe thông qua doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế".

"Lách"... lệ phí?

Chuyện này có thật 100%. Đã qua giờ G, lệ phí trước bạ tại các thành phố lớn tăng vọt, kéo theo chi phí mua xe ôtô tăng từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/xe. Đây là điểm mấu chốt khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng 2012 sẽ là năm ảm đạm của thị trường ôtô. Về phía doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh ôtô, lỗ hổng để họ "lách" đó chính là chuyển sang kinh doanh xe cũ hoặc đầu tư vào các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe ôtô. Việc tăng kịch trần phí, lệ phí ôtô thực chất là một "tin buồn" đối với các doanh nghiệp kinh doanh xe mới. Với người tiêu dùng có tiền để mua những dòng xe sang có giá trị hàng tỉ đồng thì mức tăng vẫn khiến họ có thể "chịu" được; nhưng đối với khách hàng chỉ đủ tiền mua dòng xe trung bình, thì con số tăng là quá lớn đối với họ. Điều này sẽ khiến thị trường ôtô rơi vào cơn bĩ cực, và thực tế trước việc kinh doanh ôtô khó khăn, không ít doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, tìm hướng kinh doanh khác. Và hướng mua bán xe cũ sẽ là lợi thế tức thời bởi lãi cao, dễ bán.

Còn đối với người tiêu dùng bình dân, niềm khao khát sở hữu một chiếc ôtô lại phải gánh thêm một khoản chi lớn nữa. Không ít người đã tính chuyện "lách"… lệ phí bằng cách mua ôtô cũ, khi không có nhu cầu sử dụng, người tiêu dùng có thể bán hoặc nhượng lại cho người khác mà không sợ lỗ nhiều, đôi khi nếu "mát tay" có thể có lời nếu biết giữ gìn và bảo quản xe tốt. Một phương án khác của người tiêu dùng là mua xe tại các tỉnh ngoại thành, một số khác lại có dự định về quê đăng ký. Tại các tỉnh lân cận như Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh... lệ phí trước bạ vẫn chỉ ở mức thấp, khách hàng chấp nhận đi xe biển ngoại tỉnh, hay nói vui của đông đảo khách hàng là tạm làm "nông dân" khi từ bỏ biển Hà Nội, TP.HCM nhưng chi phí giảm được đến cả trăm triệu đồng vẫn là giải pháp an toàn; thích thì đăng ký lại biển số Hà Nội sau cũng được. Theo một số chuyên gia về ôtô nhận định, sở dĩ có "chiêu" lách trên bởi trong quy định có nêu, đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi đăng ký từ lần thứ 2 trở đi thì mức thu lệ phí trước bạ vẫn giữ nguyên 12%. Vì vậy, những khách hàng mua xe cũ chỉ phải chịu mức phí trước bạ khi đăng ký lại xe là 12%.

Hiện nay, Việt Nam đang đạt tỉ lệ 18 xe/1.000 dân. Dự báo từ năm 2020 trở đi, kinh tế phát triển mạnh, mức thu nhập bình quân đầu người được nâng cao, hạ tầng giao thông phát triển sẽ khiến nhu cầu về ôtô cá nhân loại dưới 10 chỗ xe tăng mạnh. Theo tính toán của Bộ Công Thương, vào năm 2015, Việt Nam sẽ có từ 166.000-235.000 ôtô mới gia nhập thị trường; năm 2020 có 246.000-347.000 xe và năm 2025 có từ 592.000-836.000 xe. Trong số đó, xe buýt và xe tải chỉ còn chiếm 27%, còn lại là xe cá nhân. Trước diễn biến ngày một gia tăng của lưu lượng xe ôtô cá nhân; và thuế, lệ phí xe tăng cao việc mua xe cũ hay… về quê đăng ký sẽ là đề tài nóng hổi trong năm 2012. Tuy nhiên mua xe cũ cũng không dễ, giá xe cũ hiện cũng không hề thấp và lựa chọn mua xe cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó nếu có về quê đăng ký rồi đưa vào Hà Nội lưu hành thì mục đích tăng lệ phí ôtô để hạn chế ùn tắc giao thông liệu có phải là bài toán khả thi (?!)

Hồng Hạnh


Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét